Mục Lục Nội Dung
#1. Podcast là gì?
Bạn có thể hiểu đơn giản: Podcast là một chương trình Radio, một dạng kênh âm thanh mà bạn có thể tải về, hoặc là nghe trực tuyến trên nhiều nền các ứng dụng khác nhau (ví dụ như Google Podcast, Apple Podcast, Soundcloud, Spotify… hoặc cũng có thể là nghe trực tiếp trên website, máy tính bảng..)
Ngoài ra, nếu bạn muốn làm Podcast thì bạn cũng có thể dễ dàng đăng ký để tải lên những file âm thanh mà bạn muốn một cách hoàn toàn miễn phí.
Cũng tương tự như các nền tảng khác, bạn có thể tạo một tài khoản cho riêng mình thông qua tài khoản Google hay kết nối nhanh thông qua Facebook… Sau khi tạo tài khoản xong thì bạn có thể tìm và nghe các kênh Podcast của những người mà bạn hâm mộ..
Một số lĩnh vực rất được ưa chuộng để làm Podcast mà mình thường thấy như: Tâm sự, phát triển bản thân, kỹ năng sống, Marketing online, Sách, Ca nhạc, học tiếng Anh…
Nói chung, bạn có thể tìm được vô số thứ hay ho ở trên đây, và đôi khi bạn sẽ cảm thấy yêu đời hơn chỉ với việc nghe một vài audio từ tác giả..
Thông thường các chủ kênh (tác giả) sẽ upload các file âm thanh lên các nền tảng Podcast như các chương trình Radio một cách định kỳ, có thể là theo ngày, theo tuần hoặc theo tháng.. tùy vào sự sắp xếp của tác giả.
Nếu bạn yêu thích một ai đó thì bạn có thể đăng ký theo dõi để khi có tập Podcast mới thì bạn có thể nhận được sớm nhất. Nó cũng tương tự như trên Youtube, các bạn vẫn hay thấy các vlogger nói là hãy bấm chuông và nhấn nút theo dõi đấy các bạn 🙂
Để upload được file âm thanh lên Podcast thì bạn hãy đăng ký các nền tảng mà bạn muốn, sau đó thực hiện upload lên thôi, không có gì khó khăn cả.
Thông thường thì tác giả sẽ upload lên nhiều nền tảng để người nghe thuận tiện hơn trong việc nghe Podcast, các nền tảng phổ biến thì như mình đã chia sẻ bên trên rồi đó: Google Podcast, Apple Podcast, Soundcloud, Spotify… Đăng ký tất nhé các bạn !
#2. Lịch sử ra đời của Podcast
Podcast xuất hiện lần đầu vào năm 2003 trong sự kiện BloggerCon. Cũng tại sự kiện này thì phần mềm RSS-to-iPod được phát hành đến công chúng. Tác dụng chính của phần mềm này là cho phép người dùng tải file âm thanh từ Internet về iPod.
Và cho đến năm 2004, cái tên Podcast chính thức ra đời bởi nhà báo Ben Hammersle. Ông chính là người đã đặt tên cho chương trình phát sóng có định dạng âm thanh này.
Podcast là một từ ghép của 2 từ iPod (thiết bị nghe nhạc đình đám một thời của Apple) và broadcast (phát sóng).
Podcard có thể là một file có định dạng thuần âm thanh (MP3, WMA, AAC..) hoặc có thể là định dạng video (MP4, AVI…).
Một người làm nội dung trên Youtube thì được gọi là Youtuber, một người làm về đồ họa thiết kế thì được gọi là designer, một game thủ thì được gọi là gamer… và tương tự như vậy, một người làm Podcard thì được gọi là Podcaster !
Xem chi tiết hơn trên Wikipedia nếu bạn muốn tìm hiểu kỹ hơn !
#3. Podcast hoạt động như thế nào?
Podcaster (người làm Podcast) sẽ upload file âm thanh đó lên một dịch vụ lưu trữ có hỗ trợ chương trình Podcast (hay còn gọi là Podcast hosting).
Podcast hosting có thể là Google Podcast, Apple Podcast, Soundcloud, Spotify…
Sau đó, Podcast hosting sẽ tạo ra một nguồn cấp dữ liệu cho kênh Podcast (hay còn gọi là RSS feed). Cuối cùng, ứng dụng hỗ trợ nghe Podcast sẽ RSS Feed để người nghe có thể đăng ký, tải về hoặc là nghe trực tiếp trên ứng dụng.
#4. Làm thế nào để nghe Podcast?
Rất đơn giản thôi, cách mà mình yêu thích nhất là nghe Podcast trên smartphone.
Đối với iPhone thì bạn có thể nghe thông qua Apple Podcast, ứng dụng này đã có sẵn trên iPhone rồi, bạn chỉ cần tìm kiếm trên điện thoại từ khóa Podcast là sẽ ra ngay.
Còn đối với điện thoại Android thì bạn có thể nghe thông qua Google Podcast. Nói chung là rất nhiều ứng dụng cho bạn chọn lựa..
Hoặc là bạn cũng có thể cài đặt thêm các ứng dụng như Soundcloud hoặc Spotify… đây cũng đều là các ứng dụng nghe Podcast rất nổi tiếng.
Trên máy tính Windows 10 và macOS thì bạn có thể nghe thông qua iTunes nhé các bạn. Đây cũng là một ứng dụng rất tuyệt vời để nghe Podcast.
Ngoài ra, nếu bạn muốn nghe Podcast trên trình duyệt web thì có thể truy cập tại đây: podcasts.google.com
#5. Có những loại Podcast nào?
Ngoài Podcast với định dạng thuần âm thanh ra thì chúng ta còn có Video Podcast (video hình ảnh và âm thanh). Nhìn chung thì các Video Podcast này cũng không khác các video trên Youtube là mấy, tuy nhiên nó sẽ có những nét riêng đặc trưng.
Ví dụ về các Video Podcast bao gồm những video sách nói, tóm tắt sách, video phỏng vấn… những Video Podcast này sau khi hoàn thiện thì có thể đăng tải lên Youtube như một video thông thường.
#6. Tại sao người dùng lại thích nghe Podcast?
Thời đại công nghệ số ngày càng phát triển, có quá nhiều thứ áp lực trong cuộc sống cần được giải tỏa, sự “bội thực” về hình ảnh và video giải trí sẽ khiến con người ta muốn tìm về những gì đơn giản nhất, những nơi bình yên nhất – và Podcast cho bạn được điều đó.
Đọc những dòng chữ khô khan nhiều cũng chán, xem video nhiều thì mỏi mắt, dần dần cũng khiến ta bị stress và căng thẳng. Vậy nên, việc nhắm mắt lại và nghe những lời tâm sự trong Podcast mới thật nhẹ nhàng làm sao.
Tất nhiên, Podcast sẽ không thể thay thế hoàn toàn cho các hình thức phổ biến hiện nay như blog, báo mạng hay video clip. Tuy nhiên, nó sẽ là một hình thức bổ sung mà mình nghĩ là cần thiết hiện nay.
Bằng chứng thực tế cho thấy sự phổ biến này là bạn cứ nhìn vào mấy trang báo lớn thì sẽ thấy, đa số đều được tích hợp nút Đọc/ Nghe audio trong mỗi bài viết để người dùng có thêm sự lựa chọn.
Thông qua Podcast thì bạn có thể vừa học hỏi vừa lắng nghe và vừa trải nghiệm. Sự đồng điệu về cảm xúc giữa xã hội hiện đại với những nỗi cô đơn đã trở thành vùng đất màu mỡ cho Podcast phát triển, chạm đến trái tim người nghe.
Hơn nữa, đa số người dùng Internet hiện nay đều sở hữu cho mình một chiếc smartphone, vậy nên việc nghe podcast và rất thuận tiện. Không còn khó khăn như trước nữa !
Nói tóm lại, Podcast hiện đang và sẽ là xu hướng mới, phù hợp với mọi đối tượng. Ngoài ra, còn có một đặc điểm mà các KOL rất thích ở Podcast đó là họ có thể gắn các link tiếp thị liên kết mà không sợ bị mất tương tác.
Khi kênh Podcast của bạn đủ độ phổ biến, bạn có thể nhận ủng hộ từ khán giả. Thật tuyệt vời phải không nào?
Hãy tập chia sẻ những file âm thanh, những trải nghiệm vui buồn hiện có của bạn, biết đâu một ngày bạn lại trở nên nổi tiếng. Đơn giản mà đúng không, trên điện thoại của bạn có nút ghi âm đó, thử ngay đi nhé 🙂
Đang mùa giãn cách, nhu cầu được tâm sự và lắng nghe cũng tăng theo, bắt đầu ngay từ bây giờ quá là hợp lý còn gì nữa.
Hi vọng là sau bài viết này bạn có thể tận dụng Podcast để làm thay đổi cuộc sống của mình, cám ơn bạn đã đọc hết bài viết. Hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết thú vị tiếp theo ha !
CTV: Cao Trần Mỹ Dung – Blogchiasekienthuc.com
Edit by Kiên Nguyễn
Note: Bài viết này hữu ích với bạn chứ? Đừng quên đánh giá bài viết, like và chia sẻ cho bạn bè và người thân của bạn nhé !
Xem Them Chi Tiet
Nhung Mon Do Cong Nghe Duoc Yeu Thich
Do Cong Nghe Phu Kien
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét